Cùng sự phát triển của kinh tế xã hội, các bệnh liên quan đến tiêu hóa xảy ra với tần suất ngày càng nhiều. Điển hình như Hội chứng trào ngược (Hội chứng GERD), bệnh viêm loét dạ dày tá tràng… với các triệu chứng như ợ hơi, ợ nóng, ở chua, khó chịu ở dạ dày, đau tức thượng vị, ho… Căn bệnh này cùng với các triệu chứng của nó gây ra không ít bất tiện và khó chịu trong sinh hoạt hằng ngày. Các thuốc đặc trị như thuốc ức chế hoạt động bơm proton (PPIs), thuốc kháng thụ thể Histamin có tác dụng điều trị dứt điểm nhưng lại có tác dụng chậm, không thể làm giảm ngay các cơn đau tức, ợ hơi, ợ nóng. Vì vậy, các thuốc có khả năng trung hòa nhanh chóng acid dịch vị dạ dày là một giải pháp hiệu quả để giải quyết vấn đề này.
Trimafort do công ty Daewoong Pharm (Hàn Quốc) sản xuất được sử dụng rộng rãi để cắt nhanh các cơn đau đồng thời hỗ trị điều trị viêm loét dạ dày tá tràng và hội chứng trào ngược dạ dày thực quản.
Trimafort là thuốc gì?
Số đăng kí: VN-2962-07.
Nhóm thuốc dược lí: Thuốc điều trị viêm loét dạ dày tá tràng.
Thuốc được bào chế dưới dạng hỗn dịch uống.
Thuốc được sản xuất tại Daewoong Pharmaceutical Co., Ltd.
Quy cách đóng gói: 10ml x 20 gói / 1 hộp. Thuốc được đóng gói phân liều thành những gói nên dễ dàng sử dụng và thuận tiện cho mang đi.
Thành phần trong 10ml thuốc Trimafort có:
Nhôm hydroxyd (Al(OH)3) hàm lượng 400mg.
Magnesi hydroxyd (Mg(OH)2) hàm lượng 800mg.
Simethicon hàm lượng 80mg.
Tá dược vừa đủ.
Trimafort có tác dụng gì?
Do nhiều yếu tố nguy cơ như: Stress kéo dài, sinh hoạt thiếu điều độ, sử dụng thường xuyên các thực phẩm cay nóng và nước uống có gas, … kích thích hoạt động của tế bào viền và bơm proton gây tăng tiết acid chlohydric (HCl). Lượng acid chlorhydric tăng sẽ được ion bicarbonate (HCO3–) trung hòa, từ đó tạo ra một lượng lớn acid carbonic (H2CO3) ở dạng khí dẫn đến tình trạng ợ hơi, ợ nóng. Đồng thời, môi trường acid với pH quá thấp trong thời gian dài cũng làm tổn thương niêm mạc dạ dày dẫn đến các vết loét và gây ra các cơn đau buốt thượng vị khó chịu.
Trimafort được dùng để làm giảm nhanh các triệu chứng ợ nóng, ợ chua, đau tức do loét dạ dày và thúc đẩy việc chữa lành vết loét dạ dày tá tràng.
Nhôm hydroxyd (Al(OH)3), Magnesi hydroxyd (Mg(OH)3):
Bản chất là các hydroxyd kim loại có tính chất kiềm có khả năng phản ứng với acid chlohydric HCl ở dạ dày theo các phương trình:
Al(OH)3 + 3 HCl = AlCl3 + H2O
Mg(OH)2 + 2HCl = MgCl2 + H2O
Các hydroxyd này trung hòa acid dịch vị làm tăng pH dạ dày từ đó làm mất nhanh các triệu chứng đau bụng, ợ hơi, ợ nóng.
Môi trường pH cao cũng làm bất hoạt yếu tố pepsin (enzyme gây tiêu protein) kết hợp với khả năng gây kết tủa pepsin của nhôm hydroxyd giúp hạn chế thủy phân màng nhầy bảo vệ dạ dày từ đó làm giảm tổn thương niêm mạc, làm săn niêm mạc dạ dày.
Tác dụng trung hòa của nhôm hydroxyd Al(OH)3 xuất hiện muộn và kéo dài, trong khi tác dụng này của magnesi hydroxyd Mg(OH)2 xuất hiện sớm hơn và thời gian tác dụng ngắn hơn nên việc kết hợp hai thành phần này làm tăng đáng kể hiệu quả điều trị so với sử dụng đơn thuần từng hoạt chất. Việc kết hợp này cũng giảm các tác dụng không mong muốn liên quan đến rối loạn tiêu hóa.
So với các hoạt chất khác trong nhóm Antacid, nhôm hydroxyd và magnesi hydroxyd thể hiện được những ưu điểm vượt trội:
- Tác dụng trung hòa acid không quá mạnh như NaHCO3 nên hạn chế được hiện tượng tiết acid hồi ứng.
- Không hấp thu vào vòng tuần hoàn chung nên không gây ra nhiễm kiềm toàn thân.
- Không tạo ra khí gây tác dụng phụ đầy hơi, chướng bụng.
- Không gây kết tủa và ngưng đọng Ca ở thận như CaCO3, không gây tác dụng phụ lên thận (sỏi thận).
Simethicon:
Simethicon (hay simeticon) bản chất là một chất chống tạo bọt làm giảm sức căng bề mặt của bọt khí từ đó làm giảm triệu chứng do ứ khí quá mức trong dạ dày như ợ hơi, đầy hơi. Hiệu quả của simethicone đã được thể hiện trong nhiều nghiên cứu in vitro.
Từ tác dụng của các thành phần, thuốc Trimafort có các công dụng sau:
- Hỗ trợ làm giảm các triệu chứng trào ngược dạ dày, thực quản hay do viêm hang vị dạ dày gây ra.
- Hỗ trợ thuyên giảm các triệu chứng của bệnh đau dạ dày cấp và mạn tính.
- Điều trị tích cực các triệu chứng ợ hơi, chướng bụng, khó tiêu, đau thượng vị (đặc biệt ở bệnh nhân sau khi được thực hiện thủ thuật chụp X quang).
- Thúc đẩy quá trình liền các vết thương niêm mạc do viêm loét dạ dày tá tràng.
- Cấp cứu khi bệnh nhân ngộ độc các chất acid, các chất ăn mòn gây xuất huyết tiêu hóa.
Chỉ định của Trimafort
Từ những công dụng trên, Trimafort được chỉ định trong các trường hợp:
- Bệnh nhân có tình trạng viêm dạ dày cấp hoặc mạn tính.
- Bệnh nhân có trào ngược dạ dày thực quản (Hội chứng GERD).
- Bệnh nhân được chẩn đoán loét dạ dày hoặc tá tràng.
- Người mắc các triệu chứng ợ hơi, chướng bụng, khó tiêu, đau thượng vị.
- Trường hợp ngộ độc chất acid, ngộ độc kiềm hoặc các chất ăn mòn gây xuất huyết.
Hướng dẫn sử dụng thuốc dạ dày Trimafort
Liều dùng
Để sử dụng thuốc có hiệu quả, bệnh nhân nên tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ hoặc nhân viên y tế. Liều dùng thông thường ở người lớn 1 gói 10ml x 3 lần / ngày.
Trong một số trường hợp bác sĩ có thể kê nhiều hơn 3 gói 1 ngày. Tuy nhiên không quá 6 gói / 1 ngày.
Thuốc dạ dày Trimafort uống khi nào?
Theo khuyến cáo của nhà sản xuất và các bác sĩ, Trimafort nên được uống trước bước ăn hoặc trước khi ngủ để đạt được hiệu quả tốt nhất.
Có thể uống Trimafort khi các triêu chứng như ợ nóng, khó chịu ở dạ dày, đầy hơi, buồn nôn, ói mửa, đau dạ dày xảy ra.
Cần chú ý sử dụng cách các thuốc khác ít nhất 2 tiếng để tránh các tương tác thuốc bất lợi.
Chống chỉ định
Thuốc Trimafort không được dung cho người mẫn cảm với bất kì thành phần nào của thuốc.
Thuốc Trimafort có thể gây ra các tình trạng rối loạn các chất điện giải như giảm phosphate, tăng Al máu, tăng Mg máu nên thuốc được chống chỉ định với bệnh nhân suy thận nặng.
Thuốc không được dung cho trẻ em dưới 5 tuổi.
Trimafort có tác dụng phụ không?
Cũng như các thuốc tân dược khác, bên cạnh các tác dụng dược lí để điều trị, Trimafort cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ trong quá trình sử dụng. Khi sử dụng ngắn ngày, các tác dụng phụ thường xảy ra là các rối loạn về tiêu hóa. Điển hình nhất là:
Táo bón: Al(OH)3 kết hợp được với protein ruột nên hay gây táo bón.
Tiêu chảy: Mg(OH)2 giữ nước nên hay gây tiêu chảy.
Việc kết hợp nhôm hydroxyd với magnesi hydroxyd làm giảm được các tác dụng không mong muốn này.
Đôi khi, người bệnh có thể gặp các tình trạng khác như:
- Buồn nôn, nôn.
- Khô miệng.
- Ngoài ra trong một số trường hợp việc giảm acid đột ngột có thể gây tăng tiết acid hồi ứng, làm trầm trọng hơn các triệu chứng ợ hơi, ợ nóng, chướng bụng, đau rát thượng vị.
Sử dụng lâu dài có thể gây nhiều tác dụng bất lợi, điển hình như:
Nhuyễn xương (Loãng xương): Do thuốc có thể làm giảm hấp thu canxi và nhôm hydroxyd xuống ruột tạo nhôm phosphate kéo phosphate từ xương ra gây nhuyễn xương.
Viêm nhiễm: Trạng thái pH cao trong thời gian dài ở dạ dày là môi trường để các loại vi khuẩn có hại phát triển, từ đó gây viêm nhiễm ở dạ dày.
Mệt mỏi, khó chịu, chán ăn: Dùng nhôm hydroxyd kéo dài có thể gây cạn kiệt phosphate làm bệnh nhân có biểu hiện mệt mỏi chán ăn.
Chú ý và thận trọng
Trước khi dùng Trimafort, cho bác sĩ hoặc dược sĩ biết:
Các dược phẩm đang dùng, bao gồm thuốc kê đơn và không kê đơn, vitamin, các thực phẩm bổ sung và các sản phẩm thảo dược. Do thuốc Trimafort có thể tương tác với nhiều thuốc hoặc thực phẩm khác gây ra các tác dụng không mong muốn như:
Thận trọng khi sử dụng thuốc Trimafort với các thuốc có chứa Nhôm khác do có thể làm trầm trọng hơn các tác dụng không ong muốn do nhôm gây ra.
Tiền sử bệnh lí và dị ứng của bạn (đặc biệt là các vấn đề về thận, bệnh tim, tăng huyết áp hoặc xuất huyết tiêu hóa).
Tương tác của Trimafort với các thuốc khác
Các nghiên cứu đã chỉ ra được những cơ chế cụ thể của tương tác giữa Trimafort và một số các loại thuốc khác. Điển hình như:
Trimafort trong thành phần có chứa các ion kim loại (Al, Mg) tạo phức chetlat với một số kháng sinh như Tetracyclin, Flouroquinolon, Ciprofloxacin, Norfloxacin làm bất hoạt cả hai thuốc và được thải ra ngoài, làm mất tác dụng của Trimafort và mất nồng độ cần có để diệt khuẩn của kháng sinh.
Trimafort làm tăng pH của dạ dày nên nó làm hòa tan một số thuốc bao tan trong ruột như Aspirin bao tan trong ruột gây mất chức năng bảo vệ dạ dày của dạng bào chế, thuốc ức chế bơm proton (Omeprazole, Esomeprazole, Lansoprazole, Pantoprazole, Rabeprazole) hoặc viên nang zymoplex gây phân hủy dược chất làm mất tác dụng của thuốc.
Trimafort làm mất môi trường acid của dạ dày từ đó làm giảm hòa tan của các thuốc cần tan trong acid dịch vị như: Digoxin, Ketaconazol, Phenyltoin, Isoniazid.
Cần làm gì khi quên liều Trimafort?
Khi quên một liều, bệnh nhân cần dùng ngay khi nhớ ra.
Tuy nhiên, nếu đã gần đến thời gian dùng liều tiếp theo thì bỏ liều quên để uống theo đúng lịch trình.
Tuyệt đối không dùng liều gấp đôi để bù cho liều đã quên.
Thuốc dạ dày Trimafort giá bao nhiêu?
Thuốc Trimafort hiện đang được bán với giá dao động khoảng 110. 000 VNĐ một hộp 20 gói.
Mua Trimafort ở đâu?
Hiện nay Trimafort được phân bố rộng rãi trên toàn quốc. Tuy nhiên, bạn nên tìm mua ở những nhà thuốc có uy tín để đảm bảo xuất xứ và chất lượng của thuốc.
Một số gợi ý:
Ở Hà Nội: Các bạn có thể tìm mua thuốc tại nhà thuốc Ngọc Anh, nhà thuốc Lưu Anh
Ở Tp HCM: Nhà thuốc Long Châu, …